12 bài tập vận động cho trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh cần được vận động nhẹ nhàng để phát triển cả về thể chất và tinh thần. Các em bé sơ sinh có những bài tập vận động nhẹ nhàng, riêng biệt nhưng hỗ trợ rất lớn cho toàn bộ các nhóm cơ trên cơ thể con. Đây cũng là tiền đề cho các kỹ năng lật, lẫy, bò, ngồi, đứng, đi sau này. Mời cha mẹ tham khảo bài viết của Junbee về 12 bài tập vận động cho trẻ sơ sinh.
Bài tập vận động cho trẻ sơ sinh
1. Bài tập đưa tay lên xuống
Đặt ngón cái của bạn vào lòng bàn tay của bé, những ngón tay khác của bạn đỡ lấy bàn tay bé. Cố gắng khuyến khích bé nắm chặt ngón cái của bạn.
Di chuyển cánh tay của bé lên xuống dọc cơ thể, nhằm kích thích sự dẻo dai của đôi vai. Hãy thực hiện nhẹ nhàng, đừng bận tâm tới việc chế ngự sự kháng cự từ các cơ của bé.
2. Bắt chéo tay từ hai bên sang trước ngực
Di chuyển tay của bé dang ngang hai bên, sau đó bắt chéo trước ngực. Bài tập này giúp mở rộng vai và thúc đẩy phát triển nhóm cơ bắp ở ngực cho các bé từ 0 đến 3 tháng tuổi
3. Di chuyển tay lên xuống luân phiên
Di chuyển tay của bé lên xuống xen kẽ đổi bên: di chuyển một tay lên trong khi một tay khác hướng xuống. Những kiểu vận động phức tạp kích thích sự phát triển các tế bào não trong việc phối hợp vận động.
4. Xoay cánh tay
Giữ chặt hai bàn tay bé và xoay qua vai tạo thành vòng tròn lớn mỗi bên. Đổi chiều vòng tròn vận động cánh tay để giúp phát triển khả năng di chuyển của đôi vai.
5. Co duỗi chân- bài tập vận động chân
Nắm hai chân bé phía gần đầu gối và đẩy ngược về phía bụng của bé, ấn nhẹ rồi kéo để chân bé duỗi dài ra, giúp thúc đẩy sự vận động của xương chậu và hỗ trợ giảm thiểu hiệu quả chứng táo bón.
6. Co duỗi chân từng bên
Nắm hai chân bé phía gần đầu gối và di chuyển lên xuống về phía bụng của bé. Làm lần lượt, trong khi chân này đẩy lên hướng bụng bé thì chân còn lại được kéo thẳng ra.
Bài tập giúp tăng cường khả năng vận động của khớp háng và hỗ trợ cho vùng xương chậu ổn định.
7. Mở rộng hông sang hai bên
Giữ hai chân bé, tạo chuyển động tròn từ bụng hướng sang hai bên và xuống dưới, giúp kích thích sự đàn hồi của cơ chân và sự phát triển của các cơ đùi trong.
8. Chân chạm tai
Nắm hai chân bé và đẩy lên kéo ngược về phía đầu, cùng bé chơi trò lòng bàn chân chạm tai, má và đầu. Bài tập này tác động tốt đến khả năng vận động của xương hông và kích thích phát triển nhóm cơ hông.
9. Bài tập hỗ trợ kĩ năng lật - bài tập vận động cho trẻ sơ sinh
Giữ một tay bé và di chuyển nhẹ nhàng về phía đối diện. Khuyến khích bé tự dịch chuyển cơ thể mình về hướng chuyển động.
Lưu ý không kéo tay bé quá mạnh để ép bé di chuyển nếu bé chưa đủ mạnh để tự kích hoạt nhóm cơ này. Nếu cần thiết thì giữ cho đầu bé quay theo hướng này. Luân phiên thay đổi bên. Đây là sự chuẩn bị rất tốt cho kỹ năng lật của bé.
10. Lật và nằm sấp bụng
Nằm sấp sớm rất quan trọng vì nó khuyến khích bé phát triển kỹ năng vận động cũng như phát triển các cơ trên cơ thể. Khi nằm sấp, theo bản năng bé sẽ nhấc đầu (giúp phát triển cơ cổ), nâng cánh tay (giúp phát triển cơ tay và cơ ngực) và trườn chân trên mặt sàn (giúp phát triển cơ chân và cơ hông).
Có thể đặt một mẫu đồ chơi trước mặt để kích thích bé xoay cổ, từ từ di chuyển sang trái và phải. Khi bé xoay đầu nhìn theo sẽ giúp thúc đẩy cơ cổ hoạt động. Nếu làm đều đặn hàng ngày còn giúp phát triển phần lưng của bé.
Lưu ý: Em bé càng nhỏ khi lật nằm sấp sẽ có một bên cánh tay bị kẹt dưới bụng. Đừng vội giúp bé gỡ nó ra. Hãy để bé cố gắng tự giải quyết. Hãy khuyến khích bé trải nghiệm tính độc lập
11. Tư thế máy bay - bài tập vận động cho trẻ
Khi đủ mạnh để ngẩng cao đầu trong lúc nằm sấp, bé của bạn đã có thể “bay”. Ôm người bé bằng hai tay ngay dưới phần nách, lưu ý giữ chặt phần thân của bé chứ không phải nắm hai cánh tay, vì bé sẽ dễ bị tổn hại khớp vai. Bạn hãy nâng người bé lên và giữ bé ở tư thế nằm ngang, khi đó bé sẽ tự động nhấc đầu và chân thẳng lên. Bài tập này cực kỳ tốt, giúp bé phát triển toàn bộ chuỗi cơ lưng khỏe và dẻo dai.
Bạn có thể xoay và đưa bé nhẹ nhàng theo nhiều hướng, giúp rèn luyện nhiều nhóm cơ khác nhau và giúp phát triển khả năng định hướng không gian.
12. Bài tập thăng bằng với bóng cho trẻ
Đặt bé nằm sấp trên một quả bóng sạch. Giữ bóng và em bé vừa đủ để có thể điều khiển bóng di chuyển nhẹ nhàng và an toàn cho bé, không giữ bé quá chặt vì sẽ khó làm cho bé tự di chuyển trên bóng. Bạn có thể lăn quả bóng theo nhiều hướng, khi đó bạn sẽ thấy bé bắt đầu có những phản ứng đối với vật thể không phải là mặt phẳng. Bé sẽ cố gắng tự điều chỉnh cơ thể và bám chắc để khỏi ngã.
Hoạt động này giúp kết nối các thần kinh cơ bắp và còn có ý nghĩa rất lớn đối với kỹ năng phản xạ với tình huống kém an toàn.
Như vậy, với 12 bài tập vận động cho trẻ sơ sinh ở trên, cha mẹ hoàn toàn có thể hỗ trợ để giúp con có cơ thể khỏe mạnh. Ngoài ăn, ngủ thì cha mẹ nên cho con vận động để con phát triển toàn diện nhé.
>>>Xem thêm:
Trẻ Sơ Sinh Có Nên Ngủ Chung Giường Với Cha Mẹ Không
Cách Làm Siro Ho Cho Bé Đơn Giản Và Hiệu Quả
Lưu Ý Khi Tắm Cho Trẻ Sơ Sinh Và Cách Tắm Đúng Cho Trẻ
Lịch Tiêm Chủng Đầy Đủ Cho Trẻ Từ 0 Đến 24 Tháng
Hướng Dẫn Trẻ Sơ Sinh Nằm Điều Hòa Đúng Cách
Thêm một bài đánh giá
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường hợp bắt buộc được đánh dấu *
0 Bình luận