Cách xử lý khi trẻ ăn vạ mà cha mẹ nhất định phải biết
Ăn vạ là hành vi tiêu cực của trẻ khi không đạt được mục đích của mình trong một tình huống nhất định. Trẻ ăn vạ khiến nhiều phụ huynh đau đầu và không biết cách giải quyết như thế nào. Vậy hãy cùng Junbee tìm hiểu cách xử lý khi trẻ ăn vạ trong bài viết sau đây.
5 cách xử lý khi trẻ ăn vạ
Hầu hết trẻ nhỏ đều có hành động ăn vạ khi không được cha mẹ hay người lớn đáp ứng yêu cầu của bản thân. Trẻ có thể khóc lóc, la hét thậm chí là nằm lăn ra đất để đòi hỏi người khác phải chú ý và đáp ứng yêu cầu. Trong trường hợp này, cha mẹ cần làm gì? Tìm hiểu ngay những cách xử lý khi trẻ ăn vạ dưới đây nhé.
1. Cha mẹ làm ngơ khi trẻ ăn vạ
Đây là cách đơn giản nhất mà cha mẹ có thể làm khi trẻ ăn vạ. Trẻ ăn vạ để nhằm thu hút sự chú ý của cha mẹ, nếu cha mẹ làm ngơ và coi như không có chuyện gì xảy ra thì trẻ sẽ thấy việc ăn vạ không còn tác dụng và không làm những hành động tương tự như vậy nữa.
Khi trẻ ăn vạ, cha mẹ càng quan tâm, càng dỗ dành thì trẻ lại càng tiếp tục ăn vạ bởi trẻ nghĩ đó là hành động đúng đắn và nhận được sự chú ý từ cha mẹ.
Hãy thử phớt lờ trước hành động tiêu cực của trẻ, ở gần và quan sát để đảm bảo trẻ vẫn an toàn và trong tầm kiểm soát của cha mẹ. Trẻ sẽ không thể khóc lóc hoặc hành động tiêu cực được mãi mà sẽ tò mò về mọi thứ xung quanh. Lúc này, cha mẹ có thể lại gần và đánh lạc hướng bằng những câu chuyện khác để trẻ bình tĩnh và quên đi hành động ăn vạ.
2. Nói chuyện với trẻ
Khi trẻ đã bình tĩnh và quên đi câu chuyện ăn vạ thì cha mẹ có thể trò chuyện với trẻ về những hành động của trẻ và lý do tại sao trẻ làm như vậy. Nếu do cha mẹ đã sai thì bạn cần xin lỗi và dỗ dành trẻ còn nếu lý do của trẻ là chưa đúng thì cha mẹ cần nhẹ nhàng giải thích cho trẻ hiểu.
Chắc chắn khi được nói chuyện với cha mẹ, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái và không lặp lại những hành động tiêu cực vào các tình huống tương tự.
3. Thể hiện tình yêu của cha mẹ đối với con cái
Sau khi trẻ bình tĩnh, mẹ có thể vừa ôm trẻ vào lòng vừa giải thích về những hành động của trẻ ảnh hưởng như thế nào đến những người xung quanh. Đây là cách hiệu quả vừa giúp trẻ nhận ra những lỗi sai của mình vừa cho trẻ thấy rằng cha mẹ vẫn luôn ở bên cạnh và yêu thương trẻ.
Ngoài ra, khi trẻ hoàn thành tốt các công việc được giao thì cha mẹ nên khen ngợi và tặng trẻ những phần thưởng để khích lệ tinh thần trẻ. Cách này làm cho trẻ thấy hào hứng hơn khi hoàn thành các công việc và bỏ qua các hành động tiêu cực.
4. Không để người khác xen vào
Một tình huống rất hay xảy ra ở trong gia đình đó là ông bà thương xót cháu nên ngay lập tức đáp ứng yêu cầu hoặc dỗ dành khi trẻ ăn vạ. Lâu dần sẽ hình thành nên thói quen và khiến trẻ lặp lại hành vi ăn vạ vào những lần tiếp theo.
Cách tốt nhất là cha mẹ cần thống nhất quan điểm cùng với cả gia đình và không dỗ dành hay bênh vực khi trẻ ăn vạ. Có như vậy thì cách xử lý của cha mẹ mới đem lại hiệu quả.
5. Áp dụng hình phạt với trẻ
Trong một số trường hợp cha mẹ cũng cần áp dụng một số hình phạt để trẻ nhận ra lỗi sai và không tái phạm vào lần sau. Các hình phạt có thể là úp mặt vào tường để trẻ suy nghĩ lại những hành vi mà trẻ đã làm hoặc không cho trẻ chơi đồ chơi yêu thích trong một khoảng thời gian hoặc giảm thời gian xem ti vi của trẻ trong ngày…
Cha mẹ tuyệt đối không quát mắng hay đánh đập trẻ bởi những hành động này sẽ làm trẻ bị tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần. Ngoài ra, nếu trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh mắng cũng sẽ có những hành vi tiêu cực, có xu hướng bạo lực trong tương lai. Đặc biệt, khi áp dụng hình phạt cho con, cha mẹ cần quan sát để đảm bảo trẻ được an toàn.
Cha mẹ nào cũng muốn yêu thương và chiều chuộng con, tuy nhiên, trong một số trường hợp thì phụ huynh cần suy xét và đưa ra những cách xử lý sao cho phù hợp. Làm sao để trẻ thấy được sự nghiêm khắc của cha mẹ nhưng không bị tổn thương và trở thành con người tốt hơn trong tương lai. Đây cũng là trăn trở của rất nhiều phụ huynh khi nuôi dạy con. Hãy yêu thương và chăm sóc con đúng cách và trở thành những ông bố, bà mẹ thông minh.
Junbee chúc cha mẹ thành công trong quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ. Hãy theo dõi các bài viết của chúng tôi để có thêm kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nuôi dưỡng con cái nhé.
>>>Xem thêm:
29 Bài Thơ Giúp Trẻ Học Chữ Cái Siêu Nhanh
Cách Kiềm Chế Cảm Xúc Tức Giận Khi Dạy Con
Cách Dạy Trẻ 2 Tuổi Biết Nghe Lời
Bí Quyết Nuôi Dạy Con Trở Nên Tự Tin Và Mạnh Mẽ
Dạy Con Gái 23 Nguyên Tắc Bảo Vệ Cơ Thể Mà Cha Mẹ Cần Biết
Thêm một bài đánh giá
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường hợp bắt buộc được đánh dấu *
0 Bình luận