Vàng da ở trẻ sơ sinh và các dấu hiệu cần biết
Vàng da là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Vàng da có 2 loại và vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Nếu trẻ bị vàng da bệnh lý mà không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy vàng da ở trẻ sơ sinh là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách xử lý như thế nào? Theo dõi ngay bài viết dưới đây của Junbee để được giải đáp thắc mắc.
Vàng da sơ sinh là gì?
Vàng da sơ sinh là hiện tượng da và kết mạc mắt trẻ có màu vàng do tăng bilirubin gián tiếp – chất có màu vàng được sinh ra khi các tế bào hồng cầu vỡ và giải phóng. Vàng da là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh và xuất hiện khoảng 60% ở trẻ đủ tháng và 80% ở trẻ sinh non. Trẻ có thể bị vàng da sinh lý ở mức độ nhẹ và vàng da bệnh lý ở mức độ nặng.
Vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân gây vàng da sinh lý của trẻ sơ sinh là do sự tích tụ Bilirubin - chất có màu vàng được sinh ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ và giải phóng. Hiện tượng vàng da xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh vì các bé có số lượng tế bào hồng cầu cao, lại thường xuyên bị phá vỡ và thay mới. Trong khi đó, gan của trẻ sơ sinh lại chưa đủ trưởng thành để đào thải hết Bilirubin ra khỏi máu và vì vậy mà gây nên vàng da.
Khi trẻ lớn đến khoảng 2 tuần tuổi, gan sẽ phát triển đầy đủ hơn để có khả năng xử lý và lọc bỏ hết Bilirubin. Chính vì thế bệnh vàng da sinh lí ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi mà không để lại bất cứ nguy hiểm nào.
Vàng da sinh lý sẽ xuất hiện khoảng ngày thứ 3 sau sinh và tự hết trong khoảng 7-10 ngày. Vàng da sinh lý chỉ đơn thuần là vàng da mà không kèm theo các triệu chứng khác như bỏ bú, li bì, thiếu máu…Khi trẻ bị vàng da sinh lý sẽ vàng ở mức độ nhẹ ở cùng cổ, mặt, ngực và vùng phía trên rốn.
Trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý chỉ cần được bú mẹ đầy đủ để cơ thể đào thải bilirubin thì tình trạng sẽ được cải thiện và biến mất trong vòng 1-2 tuần mà không cần can thiệp y tế.
Vàng da bệnh lý ở trẻ
Vàng da bệnh lý khi xuất hiện vàng da sớm, mức độ vàng nhiều, tiến triển nhanh kèm theo các triệu chứng bất thường khác.
Vàng da bệnh lý thường xuất hiện rất sớm từ 1-2 ngày sau sinh và không chỉ xuất hiện ở mắt, mặt mà còn lan xuống dưới bụng, cánh tay, chân. Khi trẻ có biểu hiện vàng da kết hợp với các triệu chứng như nôn trớ, khóc nhiều, sốt, bỏ bú, li bì thì cha mẹ nên cho con đi khám sớm để được điều trị kịp thời.
Vàng da bệnh lý sẽ không hết sau 2 tuần đối với trẻ đủ tháng và 3 tuần đối với trẻ non tháng. Đặc biệt, trẻ sinh non có nguy cơ bị vàng da rất cao.
Làm sao để biết con bị vàng da?
Vàng da ở trẻ sơ sinh sẽ xuất hiện trước tiên ở mặt và tiến triển theo hướng từ đầu đến chân.
Lượng bilirubin càng cao chừng nào thì màu vàng thấy được ở vùng càng thấp chừng đó. Bạn hãy mang bé ra nơi có ánh sáng ban ngày đủ sáng, tốt nhất là gần cửa sổ, vừa dùng ngón tay ấn da mũi bé vừa quan sát. Nếu thấy vàng tức là bé có vàng da. Nếu bé có vàng da thì tiếp tục ấn da ở vùng thấp dần từ ngực đến trên rốn, dưới rốn, đùi, cẳng chân và lòng bàn chân để xác dịnh chỗ thấp nhất còn thấy vàng da.
Các phương pháp điều trị vàng da ở trẻ
Các bác sĩ sẽ quyết định trường hợp nào cần nhập viện điều trị và phương pháp điều trị cho bé nhằm hạ thấp mức bilirubin trong máu, gồm:
- Ánh sáng liệu pháp (gọi nôm na là “chiếu đèn”): dùng đèn chuyên biệt tại bệnh viện (và chiếu liên tục (trong vài ngày) lên da bé;
- Thay máu: lấy máu có nhiều bilirubin ra, thay bằng máu có chứa rất ít bilirubin của người khỏe mạnh.
Phòng ngừa vàng da ở trẻ sơ sinh
- Cách ngăn ngừa vàng da bệnh lý tốt nhất ở trẻ đó là mẹ nên tuân thủ theo đúng lịch khám thai của bác sĩ. Chú trọng chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý để tránh sinh non.
- Nên cho trẻ bú mẹ từ 8-12 cữ mỗi ngày để trẻ không bị mất nước, giúp cơ thể đào thải bilirubin nhanh hơn.
- Phụ huynh cần nắm rõ những dấu hiệu cảnh báo vàng da bệnh lý để theo dõi và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Một số lưu ý khi trẻ bị vàng da
Hãy nhớ rằng phơi nắng không giúp giảm vàng da mà còn làm cho da bé bị khô, mất nước và nhất là làm chậm trễ các điều trị hiệu quả. Hầu hết các bé hết vàng da sau khi phơi nắng là do bé chỉ bị vàng da sinh lý nên tự hết.
Một số bà mẹ lại xoay sở nhiều cách khác như thoa thuốc, cho uống nước đường và chỉ mang bé đi khám khi đã quá trễ, bé đã có triệu chứng tổn thương não (bỏ bú, li bì…).
Vàng da ở trẻ sơ sinh có thể rất nặng và gây tổn thương não vĩnh viễn. Chỉ có 2 biện pháp điều trị vàng da hiệu quả là ánh sáng liệu pháp và thay máu. Hãy đưa con đi khám ngay khi thấy con có dấu hiệu vàng da.
Như vậy, cha mẹ nên ghi nhớ hoặc lưu lại các triệu chứng của vàng da ở trẻ sơ sinh để theo dõi và xử lý kịp thời. Junbee chúc cha mẹ thành công trong quá trình nuôi dưỡng con.
>>>Xem thêm:
Trẻ Sơ Sinh Có Nên Ngủ Chung Giường Với Cha Mẹ Không
Cách Làm Siro Ho Cho Bé Đơn Giản Và Hiệu Quả
Lưu Ý Khi Tắm Cho Trẻ Sơ Sinh Và Cách Tắm Đúng Cho Trẻ
Lịch Tiêm Chủng Đầy Đủ Cho Trẻ Từ 0 Đến 24 Tháng
Hướng Dẫn Trẻ Sơ Sinh Nằm Điều Hòa Đúng Cách
Thêm một bài đánh giá
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường hợp bắt buộc được đánh dấu *
0 Bình luận