Các giai đoạn tăng thô cho bé ăn dặm
Mỗi một giai đoạn bé cần có độ thô khác nhau để phù hợp với sự phát triển và các hoạt động của lưỡi và răng. Vậy giai đoạn nào nên tăng thô cho bé? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây để nắm được các giai đoạn tăng thô cho bé.
Các giai đoạn tăng thô cho trẻ
1. Giai đoạn từ 5-6 tháng tuổi – Giai đoạn nuốt chửng
- Độ cứng: Giống như canh hoặc súp
Ở giai đoạn này, lưỡi của bé chưa cử động tốt mà chỉ có thể cử động ra trước hoặc sau, vì vậy mà mẹ cần chế biến các món ăn ở trạng thái lỏng như canh hoặc súp để thức ăn dễ dàng di chuyển trong miệng.
- Độ thô:
Cháo: Giai đoạn này mẹ nấu cháo cho con với tỷ lệ 1 gọa 10 nước và rây qua lưới 2 đến 3 lần sao cho thật mịn để không còn hạt cháo, mẹ có thể cho thêm nước để đủ độ lỏng giúp con ăn dễ hơn.
Rau: Rau chỉ lấy phần lá và luộc mềm, cần thái nhỏ theo chiều ngang và dọc sau đó xay mịn, lọc qua rây lấy nước cốt.
Củ, quả: Hấp hoặc luộc củ quả sau đó rây nghiền và cho thêm nước để lấy phần cốt.
Cá thịt: Bé cần 2-3 tuần để làm quen với bột và cháo sau đó dần dần cho thêm cá thịt vào cháo của bé để đảm bảo dinh dưỡng. Cá cần luộc, bỏ xương, thêm nước rây nghiền nhuyễn đến mịn hoặc cho thịt cá cùng nước vào máy xay sau đó lọc qua rây. Thịt mẹ cũng làm tương tự như cá.
2. Giai đoạn 7-8 tháng tuổi – Giai đoạn nhai trệu trạo
Ở giai đoạn này bé có thể nghiền thức ăn bằng lưỡi và hàm trên. Một số dấu hiệu mà bé chuyển từ giai đoạn nuốt chửng sang giai đoạn nhai trệu trạo đó là:
- Bé di chuyển lưỡi, đẩy thức ăn vào trong miệng và nuốt chửng tốt.
- So với lúc bắt đầu ăn dặm, bé ham ăn hơn.
- Bé ăn thêm các thức ăn khác như cá, thịt, rau ngoài cháo.
- Sau một thời gian làm quen với ăn dặm.
- Độ cứng:
Thức ăn của bé lúc này có độ thô cao hơn so với lúc đầu, độ cứng giống như đậu phụ, mẹ có thể cảm nhận bằng cách dùng ngón tay ấn nhẹ. Giai đoạn này nên nấu cháo có độ sánh, đặc hơn so với giai đoạn đầu.
- Độ thô:
Cháo: Mẹ nấu cháo với tỷ lệ 1 gạo 7 nước. Nửa đầu giai đoạn 2 thì nấu theo tỷ lệ 1:7, khi cháo chín mềm thì 8 phần rây và 2 phần còn lại nghiền thô bằng thìa rồi giảm dần lượng rây. Nửa sau giai đoạn 2 thì mẹ nấu cháo với tỷ lệ 1:7 và không cần rây, chỉ cần nghiền bằng thìa.
Rau: Trong giai đoạn 2, rau mẹ cần lấy lá, luộc mềm và cắt nhỏ 2 chiều ngang, dọc là được.
Củ, quả: Ở nửa đầu giai đoạn 2 thì mẹ hấp chín hoặc luộc mềm sau đó rây 8 phần, 2 phần còn lại nghiền thô bằng thìa rồi giảm dần lượng rây. Ở nửa sau giai đoạn 2 thì mẹ hấp chín và sau đó nghiền bằng thìa, có thể thái hạt lựu để trẻ tự cầm ăn.
Cá, thịt: Cá luộc sau đó bỏ da và xương rồi miết tơi hoặc gỡ bằng dĩa. Thịt mẹ băm nhỏ và không cần xay như trước.
3. Giai đoạn 9-11 tháng tuổi – Giai đoạn nhai tóp tép
- Độ cứng: Giống như độ cứng của chuối
Giai đoạn 9-11 tháng lưỡi bé đã có thể cử động lên xuống, bé đẩy thức ăn đến hàm và nghiền nát hoặc gặm bằng răng cửa. Độ cứng thức ăn ở giai đoạn này giống như chuối chín.
- Độ thô:
Cháo nấu với tỷ lệ 1 gạo 5 nước, lúc này cháo vẫn còn hình dạng hạt gạo nát.
Rau: Rau luộc và cắt nhỏ, mẹ không cần luộc quá mềm để con cảm nhận được độ thô của rau.
Củ quả: Củ quả hấp hoặc luộc rồi cắt nhỏ, lúc này mẹ nên cắt to hơn so với giai đoạn 2 để con thấy hơi cứng khi cắn.
Cá thịt: Luộc bỏ da và xương sau đó cắt miếng vừa ăn. Thịt mẹ có thể xé sợi hoặc cắt hạt lựu.
Giai đoạn này bé sẽ có nhu cầu tự ăn, vì vậy mẹ nên để bé tự bốc thức ăn vào miệng. Mẹ nên cho bé ngồi trong ghế ăn dặm và để thức ăn trước mặt bé. Nếu được tự ăn bé sẽ tìm hiểu được hình dáng của thức ăn và cảm giác được thức ăn bằng tay từ đó tăng khả năng ăn thô của bé và hứng thú hơn khi được tự mình cầm nắm thức ăn.
Ở giai đoạn này, lượng sắt mà bé nhận được từ khi còn trong bụng mẹ giảm đi nên mẹ cần chú ý bổ sung các thực phẩm chứa sắt trong thực đơn của bé. Một số thực phẩm có chứa sắt như thịt bò, cá và gan.
4. Giai đoạn 12 – 18 tháng – Giai đoạn nhai thành thạo
- Độ cứng: Như thịt viên
Trong giai đoạn từ 12 – 18 tháng thì bé đã kết hợp cử động giữa lưỡi và cằm một cách thành thạo, lúc này bé đã có răng hàm nên việc nhai, nghiền thức ăn khá đơn giản.
- Độ thô:
Cơm: Giai đoạn này bé đã ăn được cơm nát, nếu khả năng ăn thô chưa tốt thì mẹ có thể nấu cháo với tỷ lệ 1 gạo 3 nước.
Rau: Luộc mềm và cắt rộng khoảng 1cm để bé cảm giác được độ thô.
Củ quả: Hấp hoặc luộc đến khi độ cứng vừa phải, có thể cắt được bằng dĩa.
Cá thịt: Luộc, bỏ da và xương sau đó tách thịt cho bé ăn. Mẹ cắt miếng vừa miệng để bé cảm giác được thớ của miếng cá.
Ăn uống không chỉ đơn giản là việc đưa thức ăn vào miệng để bé no bụng mà còn là quá trình để bé học các kỹ năng như nhai, nuốt, kỹ năng phối hợp giữa tay và miệng. Ngoài ra, cha mẹ cần hình thành cho con thói quen ăn uống lành mạnh cũng như tạo sự hứng thú cho bé trong mỗi bữa ăn.
Trên đây là các giai đoạn tăng thô cho bé mà mẹ cần ghi nhớ. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho cha mẹ trong quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc con.
Junbee chúc cha mẹ thành công.
>>>Xem thêm:
Tổng Hợp Các Món Ăn Ngon Từ Gà Cho Bé Ăn Dặm
Cách Làm 13 Món Ăn Phụ Cho Bé Tăng Cân
Thêm một bài đánh giá
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường hợp bắt buộc được đánh dấu *
0 Bình luận