Các phương pháp ăn dặm cho bé và ưu nhược điểm
Khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm, cha mẹ thường băn khoăn không biết nên cho con ăn dặm theo phương pháp nào. Vậy có những phương pháp ăn dặm nào? Ưu và nhược điểm của các phương pháp ăn dặm là gì? Tham khảo ngay bài viết về các phương pháp ăn dặm dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Các phương pháp ăn dặm phổ biến
Hiện nay, các mẹ bỉm thường lựa chọn các phương pháp ăn dặm phổ biến cho con như phương pháp ăn dặm BLW ( ăn dặm tự chỉ huy), ăn dặm truyền thống, phương pháp ăn dặm kiểu Nhật và phương pháp ăn dặm 3in1.
Từ 6 tháng tuổi, ngoài sữa mẹ thì bé cần được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng từ thức ăn để cơ thể phát triển. Có nhiều cha mẹ lựa chọn cho con một phương pháp ăn dặm cụ thể tuy nhiên cũng có những bậc phụ huynh lại đan xen các phương pháp ăn dặm khác nhau để bé ăn ngon miệng, đầy đủ chất dinh dưỡng cũng như học được nhiều kỹ năng hơn.
Mỗi một phương pháp ăn dặm lại có ưu và nhược điểm khác nhau vì vậy mà cha mẹ cần dành thời gian để tìm hiểu và lựa chọn phương pháp ăn dặm phù hợp với con yêu.
1. Phương pháp ăn dặm truyền thống cho bé
Phương pháp ăn dặm truyền thống là phương pháp phổ biến và được nhiều mẹ áp dụng. Ở phương pháp pháp này, bé sẽ bắt đầu ăn dặm từ bột đến cháo vỡ, cơm nát và cơm cùng người lớn. Các món bột hay cháo của trẻ thường được kết hợp giữa gạo, thịt, rau củ nghiền nhuyễn. Vậy ưu và nhược điểm của phương pháp ăn dặm truyền thống là gì?
Lợi ích khi cho trẻ ăn dặm truyền thống
- Trẻ ăn dặm truyền thống sẽ được đảm bảo dinh dưỡng và cân đối các nhóm thực phẩm như chất đạm, tinh bột, béo, các vitamin và khoáng chất.
- Trẻ được ăn từ bột đến cháo sau đó là cơm, việc tăng dần độ thô giúp dạ dày của bé không bị quá tải và tiêu hóa tốt.
- Việc chế biến đơn giản và nhanh chóng, không làm mất quá nhiều thời gian của cha mẹ. Phụ huynh có thể nấu sẵn sau đó để trong tủ đông và cho con ăn dần.
Nhược điểm của ăn dặm truyền thống
- Việc ăn dặm truyền thống sẽ khiến bé biết ăn thô muộn, thường xảy ra tình trạng ngậm và không nhai, không nuốt. Cha mẹ nên chú ý đến độ thô cho bé, nếu để trẻ ăn cháo quá lâu, trẻ sẽ không có kỹ năng cần thiết khi ăn thô.
- Ăn dặm truyền thống khiến bé không cảm nhận được hương vị của nhiều loại thực phẩm do chúng được chế biến tổng hợp trong 1 bát cháo. Ngoài ra, việc ăn cháo trong thời gian dài cũng làm bé cảm thấy chán ăn.
- Bé thường được ăn trước hoặc sau bữa ăn của gia đình nên thời gian ăn kéo dài, tạo ra thói quen không tốt khi ăn. Hơn nữa, trẻ còn bị hạn chế cơ hội tiếp xúc và giao lưu cùng với các thành viên trong gia đình trong bữa ăn.
2. Phương pháp ăn dặm BLW
Phương pháp này thường phổ biến ở các nước như châu Âu và châu Mỹ. Ở Việt Nam, một số mẹ cũng lựa chọn phương pháp ăn dặm BLW bởi nhiều lợi ích. Đặc trưng của phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy là bé tập ăn thô như người lớn khi bắt đầu ăn dặm. Cha mẹ sẽ nấu chín các loại rau củ và cắt thành thanh dài để bé tiện cầm nắm và tự ăn những gì mình thích.
Lợi ích của phương pháp ăn dặm tự chỉ huy
- Ăn dặm BLW giúp bé chủ động trong ăn uống cũng như nếm được mùi vị đặc trưng của từng loại thức ăn. Từ đó tạo nên sự thích thú trong các bữa ăn của bé.
- Bé được ngồi trên ghế ăn dặm, không xem ti vi, không bế rong tạo nên thói quen ăn uống tốt.
- Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy còn giúp bé tăng khả năng sử dụng bàn tay, lưỡi, hàm để nhai thức ăn.
- Cách chế biến các loại thức ăn cũng đơn giản, không cầu kỳ.
Nhược điểm của phương pháp
- Bé thường ăn được ít, chủ yếu là học cách cầm nắm nên sẽ tăng cân chậm.
- Bé có khả năng bị hóc, nghẹn nếu thức ăn quá to.
- Sau mỗi bữa ăn, mẹ sẽ tốn nhiều thời gian để dọn dẹp.
3. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật đó là phương pháp chế biến và để riêng từng loại thức ăn khác nhau và được xếp vào khay hoặc bát khác nhau.
Lợi ích của phương pháp
- Các món ăn được chế biến riêng nên bé sẽ cảm nhận được mùi vị của từng loại.
- Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hạn chế sử dụng gia vị công nghiệp mà thay vào đó là sử dụng gia vị tự nhiên từ rau củ, rất tốt cho hệ tiêu hóa.
- Bé có khả năng ăn thô sớm và tốt hơn so với ăn dặm truyền thống.
- Bé được rèn luyện thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế tình trạng không tập trung khi ăn.
Nhược điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
- Cha mẹ sẽ mất nhiều thời gian khi phải chế biến các món ăn khác nhau.
- Trong thời gian đầu, bé thường có xu hướng chỉ thích một hoặc một số loại thức ăn nên tăng cân chậm.
4. Phương pháp ăn dặm 3in1
Phương pháp ăn dặm 3in1 là sự kết hợp giữa các phương pháp trên. Bé sẽ được kết hợp nhiều kiểu ăn và cách ăn khác nhau, trẻ tự định hình được khả năng ăn, tính cách của bản thân.
Ưu điểm của phương pháp ăn dặm 3in1
- Cha mẹ có thể xen kẽ giữa việc bón và tập các kỹ năng ăn bốc cho con, việc thay đổi linh hoạt tùy vào khả năng ăn của các bé.
- Phương pháp này giúp bé phát triển các kỹ năng ăn uống như ngồi ghế khi ăn, giúp bé tập trung ăn uống và có thói quen ăn lành mạnh.
- Tiết kiệm thời gian chế biến các món ăn vì ban ngày bé có thể ăn cháo, buổi tối khi đi làm về mẹ có thể chuẩn bị các món ăn khác để bé tập kỹ năng ăn bốc và ăn thô.
- Phương pháp ăn dặm 3in1 tôn trọng sở thích và nhu cầu ăn uống của con, trẻ sẽ cảm thấy hào hứng hơn trong mỗi bữa ăn.
Có thể nói, mỗi phương pháp ăn dặm lại có những ưu và nhược điểm khác nhau. Tùy vào điều kiện và thời gian mà cha mẹ có thể lựa chọn phương pháp ăn phù hợp cho con.
Có rất nhiều thông tin và kiến thức dinh dưỡng khác nhau tại chuyên mục “Thực đơn cho bé” của Junbee Kids mà cha mẹ có thể tham khảo để trau dồi thêm các kỹ năng trong quá trình nuôi dạy con. Hãy theo dõi ngay tại Junbee.vn nhé.
>>>Xem thêm:
Tổng Hợp Các Món Ăn Ngon Từ Gà Cho Bé Ăn Dặm
Cách Làm 13 Món Ăn Phụ Cho Bé Tăng Cân
Thêm một bài đánh giá
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường hợp bắt buộc được đánh dấu *
0 Bình luận