Cách nuôi dạy trẻ hướng ngoại
Nuôi dạy con chưa bao giờ là công việc dễ dàng, đặc biệt là khi con là đứa trẻ hướng ngoại, hoạt bát, năng động và nói nhiều. Nếu cha mẹ là người hướng ngoại thì sự vui vẻ, sôi nổi của con sẽ không là vấn đề. Tuy nhiên, nếu cha mẹ là người hướng nội, cần thời gian yên tĩnh để nạp năng lượng trong khi con chạy nhảy, nô đùa sẽ khiến phụ huynh cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Vậy đặc điểm của trẻ hướng ngoại là gì? Bài viết dưới đây, Junbee sẽ chia sẻ với bạn đọc về đặc điểm của trẻ hướng ngoại và cách nuôi dạy khi con là đứa trẻ hướng ngoại.
Đặc điểm của trẻ hướng ngoại
Nếu trẻ là người hướng ngoại thì trẻ là người đòi hỏi sự chú ý, nói nhiều và là tâm điểm của sự chú ý. Khi đến trường, trẻ có thể là lãnh đạo của một nhóm và là trung tâm của mọi cuộc vui. Đứa trẻ hướng ngoại sẽ hòa đồng và thích các hoạt động xã hội.
Trẻ hướng ngoại có điểm mạnh là giỏi giao tiếp, nhiều năng lượng và dễ hòa đồng. Trẻ hay nói và không ngại gặp gỡ những người bạn mới. Lúc này, trẻ sẽ chủ động bắt chuyện, làm quen và mời những người bạn khác tham gia vào cuộc vui. Tóm lại, trẻ hướng ngoại sẽ có những đặc điểm như sau:
- Trẻ thích được trải nghiệm
- Trẻ thích ứng tốt với những người và tình huống mới
- Trẻ thích chơi hay làm việc với nhóm và nhiều người
- Trẻ vừa nghĩ vừa nói mà không cần suy nghĩ thấu đáo
- Trẻ thường bồn chồn và buồn chán khi ở một mình
Cách nuôi dưỡng trẻ hướng ngoại
Vậy cha mẹ nên làm gì để nuôi dưỡng đứa trẻ hướng ngoại? Theo dõi ngay những thông tin dưới đây nhé.
1. Chấp nhận tính cách hướng ngoại của trẻ
Cha mẹ thường khó chịu với những đứa trẻ tinh nghịch, ồn ào và cảm thấy mệt mỏi vì không thể đáp ứng được hết các nhu cầu của con. Thật vậy, nếu bạn có từ hai đứa con hướng ngoại, nói không ngừng nghỉ, bày trò và làm hư hỏng đồ đạc thì bạn sẽ chẳng dễ chịu chút nào. Đặc biệt là con trai, con sẽ khai thác tối đa năng lượng của bản thân để bày trò, chọc ghẹo các bạn, thậm chí là chống đối thầy cô. Còn khi ở nhà, cha mẹ sẽ thường xuyên ở trong trạng thái căng thẳng vì phải để mắt đến con.
Trẻ hướng ngoại sẽ bị tổn thương nếu cha mẹ phủ nhận con người của mình. Vì vậy, đầu tiên cha mẹ cần học cách chấp nhận tính khí của trẻ và hỗ trợ con cân bằng giữa việc hướng ngoại và hướng nội. Theo thời gian, con sẽ học được cách điều chỉnh hành vi của mình khi được cha mẹ công nhận cảm xúc và con người thật của trẻ.
2. Tạo điều kiện để trẻ giải tỏa năng lượng và nạp năng lượng
Trẻ hướng ngoại cần vận động nhiều vì vậy con cần không gian rộng để phân tán năng lượng. Sân chơi là nơi hoàn hảo để kết hợp giữa vui chơi và vận động. Do đó, cha mẹ cần tạo điều kiện cho con ở môi trường có sân chơi. Ngoài ra, một đứa trẻ hướng ngoại còn cần được giao lưu vì vậy hãy tạo nhiều cơ hội để trẻ được gặp gỡ và vui chơi với những đứa trẻ khác. Đây là cách mà con nạp năng lượng từ đám đông khi tham gia vào các trò chơi hay hoạt động nhóm.
3. Dạy trẻ tôn trọng người khác
Cha mẹ nên dạy trẻ tôn trọng suy nghĩ và cảm xúc của người khác khi tham gia vào một tập thể. Trẻ có thể thích việc lãnh đạo mà quên đi vai trò của những người khác. Lúc này, trẻ có thể tranh cãi với bạn bè về quyền lãnh đạo. Hoặc khi trong lớp học, trẻ có thể khó giữ yên lặng và làm theo hướng dẫn của các thầy cô. Cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu rằng những người khác không nhất thiết phải đồng ý với trẻ bởi mỗi người sẽ có cách nhìn và cảm xúc khác nhau. Vậy nên khi tham gia vào một nhóm, trẻ cần học cách tôn trọng từng thành viên trong nhóm.
Trẻ hướng ngoại rất quyết đoán, đây cũng là yếu tố để trẻ trở thành nhà lãnh đạo sau này. Tuy nhiên, nhiều người sẽ không cảm thông trước tính khí của người hướng ngoại. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ cần dạy trẻ lắng nghe người khác và tiết chế năng lượng của mình trong những hoàn cảnh nhất định.
4. Tập ở một mình
Đôi khi những người hướng ngoại trở thành người làm hài lòng mọi người vì sợ cô đơn. Người hướng ngoại rất dễ cảm thấy buồn chán và những người khác có thể đánh giá họ là người nông cạn, hời hợt. Do đặc điểm tính khí ưa sôi nổi, thích có nhiều bạn bè, người hướng ngoại thường bị đánh giá là kém sâu sắc hoặc không có những mối quan hệ chất lượng. Họ có thể có rất nhiều bạn nhưng những người bạn “chí cốt”, bên cạnh họ lúc khó khăn thì chẳng có ai.
Do đó, bố mẹ cần tập cho con việc ở một mình trong thời gian ngắn sau đó tăng dần khi trẻ lớn lên. Bố mẹ có thể giao cho con thử thách đọc 1 trang sách và tóm tắt bằng cách viết lại thay vì kể ra. Hoặc bố mẹ có thể cùng con trồng cây, làm đồ thủ công…hoặc bất kỳ hoạt động nào miễn là trẻ có cơ hội được tĩnh lặng, làm một mình, phát triển tính tập trung trong khoảng thời gian nhất định.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần dạy con dừng lại để suy nghĩ trước khi nói. Đôi khi những người hướng ngoại thốt ra điều gì đó trước khi kịp suy nghĩ. Họ nói trong lúc nghĩ và đây sẽ là một thói quen xấu khi trẻ lớn lên.
Nuôi dạy những đứa trẻ hướng ngoại là một trải nghiệm đòi hỏi nhiều nỗ lực của cha mẹ. Trẻ hướng ngoại thường nhiệt tình, năng nổ và tràn đầy năng lượng. Nhiệm vụ của cha mẹ là giúp con tập trung thời gian và năng lượng vào những mục tiêu hợp lý để con rèn luyện khả năng tự chủ và phát triển các kỹ năng cần thiết lẫn những mối quan hệ có chiều sâu. Nếu được thấu hiểu và rèn luyện từ bé, trẻ lớn lên sẽ trở năng những công dân nhiệt huyết, đóng góp nhiều cho sự phát triển của gia đình, xã hội.
>>>Xem thêm:
Bí Quyết Dạy Trẻ Biết Chia Sẻ
8 Loại Trí Thông Minh Ở Trẻ Cha Mẹ Cần Nắm Rõ
Phòng Tránh Tai Nạn Thương Tích Cho Trẻ Tại Nhà Và Cách Sơ Cứu
9 Điều Cha Mẹ Không Nên Cấm Cản Con
Dạy Trẻ Các Kỹ Năng Xã Hội Cần Thiết
Thêm một bài đánh giá
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường hợp bắt buộc được đánh dấu *
0 Bình luận