Dạy trẻ các kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ
Người lớn hay trẻ em đều có thể bị thương hoặc tử vong nếu không biết các kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy. Để giảm rủi ro từ tai nạn này, cha mẹ cần dạy trẻ các kỹ năng để thoát nạn trong trường hợp xảy ra cháy nổ. Mời bạn đọc cùng Junbee tìm hiểu về các kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy dưới đây nhé.
Nguyên nhân dẫn đến tử vong trong cháy nổ
Trong các vụ hỏa hoạn thì hầu hết nạn nhân tử vong do ngạt khí, hơi độc, ngạt khói trước khi chết vì bỏng bởi trong khi cháy có rất nhiều khói độc sinh ra như CO, CO2, anoniac, axit hữu cơ... và CO, CO2 là nguyên nhân chính gây tử vong.
Khi hít phải lượng khói độc này, người gặp nạn có thể bị ngộ độc hoặc cơ thể tiêu hao nhiều thể lực vì thiếu oxy. Các biểu hiện nguy hiểm khi bị ngạt khí đó là viêm kết mạc, ho, chảy nước mắt, khó thở, mất tri giác, khạc ra đờm có than, mất định hướng, cháy da, lông và tóc… Các biểu hiện nhẹ như khó thở, đau đầu, buồn nôn; các biểu hiện ở mức trung bình như chóng mặt, đau đầu dữ dội, buồn nôn, ngất xỉu; mức độ năng hơn là hôn mê, co giật, loạn nhịp tim, ngất, trụy mạch và tử vong.
Như vậy, khi đã biết được nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các đám cháy thì cha mẹ cần trang bị những kỹ năng thoát hiểm và kỹ năng sơ cứu ngạt khí cơ bản để bảo vệ bản thân cũng như trẻ nhỏ để tránh các trường hợp thương vong xảy ra. Ngoài ra, cha mẹ cần dạy trẻ các kỹ năng này để khi trẻ chỉ có một mình có thể tự xử lý và áp dụng. Kỹ năng này là vô cùng cần thiết đối với mỗi gia đình.
Các kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ
- Khi trẻ phát hiện có lửa, khói hoặc ngửi thấy mùi khét thì gọi ngay đến tổng đài 114 để thông báo tới lực lượng phòng tránh chữa cháy nhờ sự hỗ trợ và giúp đỡ. Nếu đám cháy đã lan rộng và trẻ đã bị kẹt trong đó thì cần phải thật bình tĩnh và làm theo sự chỉ dẫn của người lớn.
- Trẻ tuyệt đối không được nấp trong phòng, nhà vệ sinh đóng kín cửa bởi đây là nơi rất dễ bị ngạt khí và không thể thoát ra ngoài.
- Trẻ cần được hướng dẫn về các lối thoát hiểm như cửa trước, cửa sau, lối sang nhà bên cạnh, ban công,… Nếu trẻ ở chung cư hoặc nhà cao tầng, khi đám cháy chưa bao trùm ở lối ra cửa chính tầng 1 thì chạy về phía cửa chính bằng cách đi theo bảng, biển chỉ dẫn lối thoát nạn. Nếu cửa chính tầng 1 đã bị lửa bao trùm thì chạy ngay và tìm lối thoát nạn khác như cửa sổ, ban công, sân thượng, công trình bên cạnh hoặc xuống đất bằng thang. Trẻ tuyệt đối không đi thang máy mà thay vào đó là thang bộ vì khi cháy nổ chắc chắn sẽ bị chập điện dẫn tới thang máy không hoạt động hoặc có thể ngừng bất cứ lúc nào.
- Trường hợp đám cháy quá lớn, khi phải băng qua lửa thì phải dùng chăn, mềm thấm nước và quấn chặt quanh người để tránh bị bỏng và tìm lối thoát.
- Trong trường hợp trẻ ở chung cư, nếu khói đã bao phủ và không tìm được lối thoát thì nên quay về và sử dụng điện thoại nhanh chóng gọi cho lực lượng phòng cháy chữa cháy 114 để thông báo vị trí, ra ban công hoặc cửa sổ dùng vật dễ phát hiện và hét lớn để mọi người chú ý và biết vị trí của mình.
- Dạy trẻ về các loại biển báo thoát hiểm dạ quang, biển phòng cháy chữa cháy dạ quang để tìm được lối thoát hiểm nhanh nhất.
- Dạy trẻ cúi người xuống sàn nhà càng thấp càng tốt vì càng sát đất thì càng ít khói độc hơn. Ngoài ra, trẻ cần dùng khăn ướt bịt mũi để tránh hít phải khí độc gây ngạt thở.
- Trẻ cần được cha mẹ dạy cách sử dụng bình chữa cháy để dập tắt các đám cháy nhỏ, kiểm soát được hành động và nhận thức của mình khi xảy ra cháy nổ.
- Trong trường hợp cháy nổ đông người và hỗn loạn thì cha mẹ cần dạy trẻ không đi ngược lại với đám đông bởi trẻ có khả năng bị kẹt, dẫm đạp lên nhau dẫn đến ngạt thở và tử vong. Trẻ cần bình tĩnh quan sát lối thoát hiểm và tìm cách chạy đến đó nhanh nhất có thể. Trẻ phải chạy thật nhanh, không được chần chừ để ở lại tìm hay giữ đồ bởi đám cháy sẽ lan rất nhanh và rộng, rất nguy hiểm đến tính mạng.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cha mẹ cũng cần dạy trẻ phải thật bình tĩnh để xử lý các tình huống một cách nhanh chóng và thông minh. Như vậy, bài viết trên đã giúp cha mẹ có thêm kiến thức dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy. Hy vọng những thông tin hữu ích trên sẽ được cha mẹ ghi nhớ và chia sẻ để lan tỏa các kỹ năng cần thiết và tránh trường hợp xấu nhất xảy ra.
>>Xem thêm:
Dạy Trẻ Kỹ Năng Phòng Tránh Bị Bắt Cóc
Những Kiểu Nuông Chiều Con Quá Mức Của Cha Mẹ
Cách Ứng Xử Của Cha Mẹ Khi Con Ganh Tỵ Với Em
Thêm một bài đánh giá
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường hợp bắt buộc được đánh dấu *
0 Bình luận